Gia tộc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Lịch sử gia tộc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gần như cũng là tóm tắt của lịch sử chính trị đất nước này từ năm 1945 đến nay.
Thủ tướng Nhật ShinZo Abe năm 2013 (V.V.T) |
Tojo cùng nhiều thành viên nội các đã bị xử tử hình vì tội ác chiến tranh. Nhưng ông Nobusuke Kishi không bị truy tố. Tòa án quân sự vùng viễn Đông đã phán quyết có tội với 215 tội phạm chiến tranh hạng A. Trong số này không có Nobusuke Kishi.
Hơn ba năm sau khi ra tù, Nobusuke Kishi quay trở lại chính trường vào tháng 4/1952. Ông nhanh chóng trở thành một chính trị gia nổi bật và được bầu làm Thủ tướng Nhật Bản, tại vị từ tháng 1/1957 đến tháng 7/1960.
Nobusuke Kishi kể với con cháu rằng, trong cuộc đời ông đã 3 lần sẵn sàng đối mặt với cái chết. “Lần thứ nhất là khi đối đầu với Thủ tướng Tojo (bất đồng quan điểm về chiến tranh, trước năm 1945). Lần thứ hai khi bị bắt làm tù nhân ở Sugamo với thân phận nghi phạm chiến tranh hạng A. Lần thứ ba, khi họp Quốc hội về vấn đề hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật”.
Đó là ông ngoại. Còn ông nội của Thủ tướng Shinzo Abe là Kan Abe, cũng là một chính khách cương nghị, từng phản đối chủ trương tiến hành chiến tranh của Tojo và bị cảnh sát theo dõi liên tục trong giai đoạn trước năm 1945. Nếu biết quyền lực bao trùm của Tojo như thế nào lúc đó, sẽ hiểu được khí phách của Kan Abe.
Kan Abe bị bệnh lao phổi nên sức khỏe không tốt. Ông vừa chống chọi với bệnh tật vừa tham gia chính trị, trở thành hạ nghị sĩ rồi qua đời ở tuổi 51.
Kan Abe có một người con trai là Shintaro Abe. Tuổi thanh niên, Shintaro Abe tham gia Không quân Hải quân. Đầu xuân năm 1945, anh viết đơn vào đội cảm tử và được cấp trên cho về “từ biệt cha mẹ”. Trong cuộc trò chuyện thâu đêm với con trên giường bệnh, Kan Abe nắm tay con và nói “có lẽ chúng ta sẽ thua trong cuộc chiến này. Nhưng đừng làm điều gì hèn kém đấy. Nước Nhật sau bại chiến sẽ rất vất vả. Lúc đó rất cần sức trẻ, đừng chết vô ích”.
Nếu Shintaro Abe tham gia đội cảm tử và chết trận, dòng họ Abe sẽ tuyệt tự. Chắc chắn Kan Abe rất lo lắng chuyện đó nhưng trên tất cả, ông đã cho thấy mối bận tâm tái kiến tương lai nước Nhật.
Shintaro Abe đã không chết trận. Sau chiến tranh, Shintaro tốt nghiệp Đại học đế quốc Tokyo năm 1949 rồi trở thành phóng viên báo Mainichi, ban đầu đưa tin xã hội sau chuyển sang làm phóng viên chính trị. Ông lập gia đình với Yoko Kishi - con gái của Nobusuke Kishi. Hai người có 3 con, gồm Shinzo Abe.
Shintaro Abe tham gia chính trị với sự dìu dắt của bố vợ là Thủ tướng. Nhưng ông cũng tự mình khẳng định được phẩm chất của dòng họ Abe. Ông giữ nhiều chức vụ trong Chính phủ, từng là bộ trưởng kinh tế, ngoại trưởng rồi chánh văn phòng nội các. Shintaro Abe có thể đã trở thành thủ tướng Nhật Bản nếu không bị ung thư tuỵ. Ông rời chính trường để chữa bệnh và qua đời ở tuổi 67.
Shinzo Abe trưởng thành trong gia tộc như vậy. Ông ngoại là Thủ tướng. Ông nội là hạ nghị sĩ. Bố là ngoại trưởng. Ông chú (em trai của ông ngoại, cũng là Thủ tướng).
Anh của Shinzo Abe là Nobuhiro Abe, giữ chức giám đốc Mitshubishi Shoji Packaging. Vợ của Nobuhiro Abe là trưởng nữ của Jiro Ushio, Chủ tịch tập đoàn điện khí Ushio.
Shinzo Abe có một người em trai là Nobuo được đưa đi làm con nuôi nhà Kishi, từ nghị sĩ thượng viện chuyển thành nghị sĩ hạ viện và từng làm thứ trưởng ngoại giao.
Vợ của Shinzo Abe là Akie – trưởng nữ của Akio Matsuzaki, nguyên chủ tịch tập đoàn bánh kẹo Morinaga.
Truyền thống hai bên nội ngoại trong gia đình Thủ tướng Shinzo Abe cho thấy dòng chảy tinh hoa chính trị Nhật Bản đã không bị đứt gãy trước và sau năm 1945. Trải qua những thăng trầm thời cuộc, các thế hệ đã kế tục truyền thống gia đình đứng lên phục vụ đất nước, đưa Nhật Bản từ tro tàn chiến tranh vươn vai đứng hàng đầu thế giới chỉ trong mấy chục năm.
Cũng có ý kiến cho rằng, ở Nhật Bản, số phận ủng hộ một số gia đình hơn những gia đình khác. Dù sao, con ông cháu cha trở thành niềm tự hào, nơi ươm mầm tinh hoa, nhưng các mầm cây đó thực sự lớn lên, làm việc không mệt mỏi để khẳng định bản thân trong nền dân chủ.
Shinzo Abe bị viêm loét đại tràng và phát bệnh từ năm 17 tuổi. Năm 2006, ông trở thành Thủ tướng ở tuổi 52.
Nhưng một năm sau đó từ chức với lý do bệnh viêm loét đại tràng. Trước khi từ chức, ông công du ba nước Indonesia, Malaysia, Ấn Độ và phải mặc quần tã vì áp lực công việc và bệnh tật.
Sau khi phục hồi, Abe bất ngờ trở lại chính trị và tái nhiệm Thủ tướng vào năm 2012. Ông tiếp tục đắc cử với kết quả áp đảo năm 2014 và 2017. Tháng 8/2020, Abe thông báo ý định từ chức, với lý do là bệnh viêm loét đại tràng trở lại.
Di sản của Thủ tướng Shinzo Abe nổi bật với chính sách Abenomics – những cải cách nhằm đối phó với tình trạng dân số lão hóa và suy giảm kinh tế. Ông chèo lái nước Nhật trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy và đồng minh Hoa Kỳ khó lường.
Khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Chính phủ Abe đã dốc sức tái định hình TPP thành một thỏa thuận mới. Thủ tướng Shinzo Abe cũng tập trung cho việc xây dựng quan hệ với Nhà Trắng. Ông là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến tòa Tháp Trump, để chúc mừng vị tổng thống sau chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016.
Trong gần 8 năm lãnh đạo nước Nhật, ông Abe đã 4 lần thăm chính thức Việt Nam. Giáo sư Trần Văn Thọ, dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kể lại, trong dịp Thủ tướng Việt Nam tham dự lễ đăng quang của Thiên hoàng Reiwa tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng Abe đã sắp xếp để Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngồi bên cạnh mình trong quốc yến.
Nhiều nhà nghiên cứu chính trị nhận xét, Thủ tướng Abe đã có những động thái chiến lược đúng đắn cho đất nước mình. Di sản nổi bật của ông, là thuận lợi nhưng cũng là thách thức với người kế vị.
Thành Võ