Hồi ký của cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Cuốn hồi ký được xuất bản vào đầu năm 2023 của cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - qua đời vì bị ám sát vào tháng 7/2022 - là một kho tàng giai thoại ngoại giao. 


Ông Shinzo Abe và ông Donald Trump chơi golf tại sân golf Mobara, tỉnh Chiba, Nhật Bản, tháng 5/2019. Ảnh: Twitter PM's Office of Japan

Từ chuyến đi chung xe đầy sắc thái với cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đến ván cờ tâm lý với Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Abe đã đưa ra những hiểu biết độc đáo về thế giới ngoại giao.

Doanh thu từ cuốn sách đã vượt quá sự mong đợi của nhà phát hành Chuokoron-Shinsha. Trong hai ngày đầu tiên sau khi “Abe Shinzo Kaikoroku ” được phát hành, công ty đã hai lần đặt hàng in bổ sung.

Một đại diện của nhà xuất bản nói với Nikkei Asia rằng công ty lo ngại rằng có lẽ đã xuất bản quá nhiều sách về Abe. “Nhưng đến khoảng 9 giờ sáng ngày đầu tiên, nó đã được bán hết trên Amazon,” cô nói.

Cuốn sách là sự tổng hợp của 18 cuộc phỏng vấn được thực hiện bởi các phóng viên lâu năm của tờ Yomiuri Shimbun là Goro Hashimoto và Hiroshi Oyama. Cựu Thủ tướng Abe đã nói chuyện với các phóng viên trong tổng cộng 36 giờ.

“Chúng tôi bắt đầu với 30.000 bản nhưng ngay lập tức đặt hàng lần thứ hai với 30.000 bản vào ngày hôm đó. Ngày hôm sau, chúng tôi đặt thêm 40.000 bản nữa, nâng tổng số lên 100.000 bản”, nhiều hơn gấp ba lần kế hoạch ban đầu, đại diện Chuokoron cho biết.

Một trong những điểm nổi bật của cuốn sách là quan sát của ông Abe về cựu tổng thống Trump, người mà ông coi là khác thường, mặc dù không hẳn là tiêu cực. Vào tháng 5/2019, ông Abe lái chiếc Beast, chiếc xe chống đạn mệnh danh “Quái thú” chuyên chở tổng thống Mỹ, trên đường phố Tokyo. Cả hai đã xem Sumo tại Nhà thi đấu Sumo Quốc gia và ngồi chung xe đi ăn tối để tiết kiệm thời gian.

Nhận thấy nhiều người đang vẫy xe từ bên đường, ông Trump hỏi người đang cầm lái: "Shinzo, họ vẫy tay với bạn hay với tôi?" Được ông Abe cho biết tất nhiên là họ đang vẫy tay chào tổng thống Trump, nhà lãnh đạo Mỹ bật đèn bên trong xe để đám đông có thể nhìn thấy ông vẫy tay đáp lại. Giật mình, một thành viên Mật vụ ngồi phía trước đã yêu cầu tắt đèn ngay lập tức, để tránh phát hiện Quái thú nào trong hai chiếc xe đang chở tổng thống.

"Đừng lo lắng, Shinzo. Chiếc xe này sẽ không bị đạn xuyên qua ngay cả khi nó bị bắn 200 phát vào cùng một chỗ", ông Trump trấn an ông Abe.

Cũng ngồi trên xe, đệ nhất phu nhân Melania Trump đã đáp lại bằng một trò đùa. "Vậy chuyện gì sẽ xảy ra khi viên đạn thứ 201 tới?" cô ấy hỏi với vẻ châm biếm, khiến tất cả họ đều cười lớn.

Abe tiết lộ rằng các cuộc điện đàm của ông với cựu Tổng thống Trump đôi khi kéo dài tới 90 phút. “Chủ đề chính sẽ kéo dài khoảng 15 phút. Sau đó, 70% hoặc 80% cuộc trò chuyện sẽ là về chơi golf hoặc chỉ trích các nhà lãnh đạo thế giới khác”, ông Abe nói. Nhưng ông ấy cho hay sự kết nối về cảm xúc của họ rất tốt.

Cựu Thủ tướng Abe kể rằng ông gặp khó khăn trong việc hình thành mối quan hệ cá nhân với người tiền nhiệm của ông Trump - cựu tổng thống Barack Obama, một người không tham gia vào các cuộc nói chuyện về cá nhân. Ngay cả khi ông Abe đưa ông Obama tới Sukiyabashi Jiro, nhà hàng sushi nổi tiếng thế giới ở Ginza vào tháng 4/2014, nhà lãnh đạo Mỹ đã lao ngay vào công việc khi họ ngồi xuống quầy. "Shinzo, nội các của anh có tỷ lệ tán thành là 60. Nội các của tôi là 45. Cơ sở chính trị của anh mạnh hơn, chẳng lẽ anh không thể thỏa hiệp được sao?" Ông Obama đã yêu cầu thảo luận về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương khi mà Mỹ vẫn còn là một thành viên đàm phán (sau này cựu tổng thống Trump đã rút nước Mỹ ra khỏi quá trình đàm phán Hiệp định này).

Về ngoại giao với Trung Quốc, ông Abe cho rằng đây luôn là một ván cờ. Ông kể: “Trong 7 năm 9 tháng nắm quyền ở lần thứ hai đứng đầu chính phủ, tôi đã thực hiện 81 chuyến công du nước ngoài. Trong mọi cuộc gặp với các nhà lãnh đạo nước ngoài, tôi đều đề cập đến Trung Quốc và nói về sự cần thiết phải theo dõi việc xây dựng quân sự hoặc mở rộng hoạt động hàng hải một cách hung hăng của nước này. Một số nhà lãnh đạo đồng ý với tôi và một số thì không. Nếu ai gần gũi với Trung Quốc, họ rất có thể sẽ nói lại với Bắc Kinh. Nhưng đó là điều hoàn toàn nằm trong dự kiến”.

Trên thực tế, ông Abe cho biết ông tin rằng điều này có thể mang lại lợi ích cho Nhật Bản. Ông nói: “Đây chỉ là linh cảm, nhưng tôi tin rằng Trung Quốc tôn trọng những người sẵn sàng chiến đấu. Họ kết luận rằng 'Nhật Bản không tệ' và đưa ra chiến lược phù hợp."

Ông Abe chia sẻ thêm: “Để khiến Trung Quốc thay đổi hành vi hung hăng của mình, tôi cần tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc bầu cử và khiến họ nghĩ rằng chính quyền Abe cồng kềnh này sẽ tồn tại”.

Về Ấn Độ, ông Abe cho rằng Nhật Bản có vị trí đặc biệt trong trái tim người dân Ấn Độ và tiết lộ giai thoại từ năm 1957, khi ông nội ông, cựu Thủ tướng Nobusuke Kishi, đến thăm Thủ tướng Jawaharlal Nehru. "Sau đó, tôi nghe người phiên dịch đi cùng ông tôi kể rằng mọi người đã tụ tập bên ngoài văn phòng thủ tướng. Ông Nehru nói với ông Kishi: "Tôi sắp có bài phát biểu với những người ở bên ngoài, vì vậy tôi sẽ nhân cơ hội này để giới thiệu về bạn."

Khi ra bên ngoài, Thủ tướng Nehru nói với đám đông: "Kishi đây là thủ tướng của đất nước đã chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Đế quốc Nga. Nhật Bản đã cho chúng ta dũng khí chiến đấu với người Anh để giành độc lập." Đám đông nổ ra tiếng reo hò.

Bìa sách hồi ký của ông Abe

Abe nói rằng trong nhiệm kỳ lãnh đạo đầu tiên của mình, từ tháng 9/2006 đến tháng 9/2007, ông đã thuyết phục cựu Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh thành lập một nhóm mới gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia - Bộ tứ QUAD ngày nay – nhưng người đứng đầu Ấn Độ đã do dự. Ông Singh không muốn làm tổn hại quan hệ với Trung Quốc.

Ông Abe cho rằng người kế nhiệm ông Singh, thủ tướng Ấn Độ hiện nay - ngài Narendra Modi, là người hiểu biết hơn.

“Lập trường của ông Modi là Ấn Độ sẽ không tham gia QUAD nếu chỉ có Mỹ và Australia”, ông Abe nói. “Nhưng nếu Nhật Bản dẫn đầu, ông ấy sẽ đồng ý.”

Trong cuốn sách, cựu Thủ tướng Abe đã chia sẻ giai thoại về chuyến đi tàu cao tốc với cựu Thủ tướng Anh Theresa May, đây có thể là một bước ngoặt lớn trong mối quan hệ song phương. Vào tháng 8/2017, bà May và ông Abe đi trên chuyến tàu shinkansen đến Tokyo, sau khi dùng bữa tối ngày hôm trước tại cố đô Kyoto.

"Tại sao chúng ta không biến mối quan hệ giữa hai nhước thành một liên minh?" Theo cựu thủ tướng Nhật Bản, bà May nhiều lần đề nghị với ông Abe như vậy. Vài tháng trước đó, Vương quốc Anh và Nhật Bản đã ký một hiệp ước hậu cần có tên là Thỏa thuận mua lại và phục vụ chéo để giúp các lực lượng vũ trang tương ứng của họ dễ dàng hợp tác cùng nhau trong một loạt hoạt động, bao gồm các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và các nhiệm vụ viện trợ nhân đạo chung.

“Tôi rất ngạc nhiên,” ông Abe nhớ lại. "Đó là một lời đề nghị đáng khích lệ, nhưng thật khó để Nhật Bản ký kết một liên minh an ninh với Anh như liên minh chúng tôi có với Mỹ. Nhật Bản không thể chỉ thực hiện phòng vệ tập thể và bảo vệ Vương quốc Anh."

“Nhưng những cuộc thảo luận này đã dẫn tới quan điểm cho rằng Nhật Bản và Anh là gần như đồng minh”.

Đại diện Chuokoron-Shinsha cho biết nhà xuất bản mong muốn cuốn hồi ký được đọc trên toàn thế giới và đang tìm kiếm đối tác quốc tế để phát hành cuốn sách bằng các ngôn ngữ khác.

Thành Võ (nguồn: Nikkei Asia)