Muhammad Yunus - người đoạt giải Nobel, phụ trách Chính phủ lâm thời Bangladesh
Tiến sĩ Muhammad Yunus nằm trong số không nhiều những lãnh đạo chính phủ (lâm thời) từng được trao giải Nobel.
Ông nhận Nobel kinh tế từ năm 2006, với tư cách là người
tiên phong phổ biến khái niệm tín dụng vi mô, cho những người dân rất nghèo vay
các khoản tín dụng nhỏ, và sáng lập ngân hàng Grameen (Bangladesh) vào năm 1976
để triển khai ý tưởng của mình.
Tiến sĩ Muhammad Yunus cho rằng các ngân hàng truyền thống
luôn từ chối cung cấp dịch vụ cho những người cần chúng nhất – những người
nghèo nhất thế giới. Trong khi đó người nghèo mới là những người cần tạo điều
kiện tiếp cận vốn, đơn giản vì họ thiếu các dịch vụ có tổ chức, thiếu nước sạch
và các tiện ích vệ sinh, thiếu điều kiện chăm sóc sức khỏe, thiếu giáo dục, nhà
ở dưới chuẩn, không thể tiếp cận năng lượng, bị bỏ rơi khi về già.v.v…
Theo ông, các vấn nạn đang gây tác hại với người nghèo trên
khắp thế giới cho thấy một vấn đề kinh tế và xã hội thậm chí còn lớn hơn: Vấn đề
của sự bất bình đẳng gia tăng do sự tập trung của cải.
“Xu hướng tập trung của cải tăng nhanh chưa từng có là nguy
hiểm bởi nó đe dọa sự tiến bộ của loài người, sự gắn kết xã hội, nhân quyền và
dân chủ. Thế giới mà ở đó của cải tập trung vào một số ít người cũng là thế giới
mà trong đó quyền lực chính trị bị kiểm soát bởi số ít và dùng để phục vụ cho
chính lợi ích của họ”.
“Khi mà khoảng cách về của cải và khoảng cách về quyền lực
tăng lên, sự nghi ngờ, sự oán hận và thù ghét sẽ nặng nề hơn một cách tất yếu,
đẩy thế giới vào biến động và làm tăng khả năng xung đột”.
Sách về kinh tế của Tiến sĩ Muhammad Yunus được xuất bản ở
nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tôi có mua một cuốn của ông nhiều
năm trước do SaiGonBooks làm, tựa đề là “Thế giới ba không – Kinh tế học của
không nghèo đói, không thất nghiệp và không ô nhiễm”. Một số đoạn trích ở trên
là lấy từ cuốn sách này.
Sau khi thành công với ngân hàng Grameen, tiến sĩ Muhammad
Yunus tham gia chính trị, tuy nhiên hoạt động của ông không được chính phủ hoan
nghênh. Ông bị sa thải khỏi ngân hàng Grameen và đối mặt với hàng loạt vụ kiện.
Dù vậy, tiến sĩ Muhammad Yunus Yunus vẫn là một nhân vật quốc
tế nổi tiếng. Ông đi giảng bài trên khắp thế giới, xuất hiện trong các chương
trình truyền hình nổi tiếng.
Ông đóng vai trò cố vấn cho Thế vận hội Olympic Paris 2024,
khuyến khích các dự án bền vững và có trách nhiệm xã hội. Ảnh hưởng của ông được
cho đã góp phần dẫn đến các sáng kiến như ưu tiên doanh nghiệp xã hội trong các
cuộc đấu thầu công khai về xây dựng cơ sở hạ tầng, tích hợp nhà ở xã hội vào
quá trình tái phát triển làng vận động viên Olympic.
Sau khi Olympic kết thúc, làng vận động viên sẽ trở thành
khu dân cư mới với 2.800 căn hộ cho 6.000 người, trong đó 25% là nhà ở xã hội.
Đang dự Olympic Paris với tư cách khách mời, ông Muhammad
Yunus lên đường trở về quê nhà Bangladesh để phụ trách chính phủ trong thời kỳ
chuyển giao.
Bà Hasina, người hai lần giữ chức Thủ tướng của Bangladesh với
tổng thời gian gần 20 năm, vừa từ chức và lên trực thăng vội vã rời khỏi đất nước.
Đây được cho là thắng lợi của những người biểu tình trẻ tuổi – một trong những
yêu cầu của họ là ông Yunus về cầm quyền. Nhưng nhìn sâu vào vấn đề thì đằng
sau còn là sự can thiệp (hoặc không can thiệp) của quân đội Bangladesh. Ý chí của
những người cầm súng đóng vai trò quan trọng nhất.
Bangladesh là quốc gia Nam Á gần gũi với Đông Nam Á, với một
đoạn biên giới giáp Myanmar. Đất nước 170 triệu dân này là “cường quốc” dệt may
với ngành may mặc chiếm 83% tổng kim ngạch xuất khẩu (khoảng 38,4 tỷ USD năm
2023).
Những năm gần đây Bangladesh được coi là một trong những điểm
đến đầu tư nhờ dân số trẻ và nhân công giá rẻ. Nhưng có thể thấy tình trạng bất
ổn chính trị ở đất nước này sẽ khiến các nhà đầu tư cân nhắc. Trong thời gian hỗn
loạn vừa qua, nhiều nhà máy dệt may đã đóng cửa vì lo ngại về an toàn của công
nhân. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các nhà bán lẻ quần áo toàn cầu bao gồm H&M
và Zara khi bước vào mùa lễ quan trọng.
Tiến sĩ Muhammad Yunus, 84 tuổi, đứng trước rất nhiều công
việc khi trở về quê nhà, để vãn hồi trật tự, để ổn định và phát triển kinh tế
Bangladesh… Nếu làm được tất cả những điều này thì ông xứng đáng nhận sự vinh
danh còn hơn cả giải Nobel.
Thành Võ